Xuất nhập khẩu 545 tỷ USD, châu Á chiếm gần 65%
Năm 2020, châu Á tiếp tục là khu vực có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các châu lục trong năm 2020, đơn vị "tỷ USD".
Thâm hụt lớn với Trung Quốc
Năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 545,36 tỷ USD, tăng 5,4% với năm trước.
Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 282,65 tỷ USD, tăng 7,0%, tương ứng tăng 18,39 tỷ USD và nhập khẩu đạt 262,70 tỷ USD, tăng 3,7%, tương ứng tăng 9,31 tỷ USD.
Về đối tác thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,7%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước.
Cụ thể, các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc châu Á đạt 352,97 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm 2019, trong đó trị giá xuất khẩu là 140,25 tỷ USD, tăng 3,4% và trị giá nhập khẩu là 212,72 tỷ USD, tăng 4,7%.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Á và trên toàn thế giới. Năm ngoái, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 133 tỷ USD.
năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD, tăng gần 7,5 tỷ USD so với năm 2019, tương đương hơn 18%.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ).
2 nhóm hàng xuất khẩu “chục tỷ USD” sang quốc gia láng giềng này trong năm ngoái là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với kim ngạch lần lượt đạt hơn 12 tỷ USD và hơn 11 tỷ USD.
Ngoài ra Việt Nam còn nhiều nhóm hàng xuất khẩu lớn đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên như: sơ xợi, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, rau quả…
Ở chiều nhập khẩu, năm 2020, Việt Nam chi 84,2 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 8,75 tỷ USD so với năm 2019, tương đương 11,6%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới 32% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong năm ngoái.
Tương tự xuất khẩu, năm 2020 Việt Nam cũng có 2 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 18,45 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt hơn 17 tỷ USD.
Ngoài ra, còn nhiều nhóm hàng khác nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Năm 2020, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc vẫn rất lớn với con số nhập siêu lên đến 35,3 tỷ USD.
Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là những đối tác thương mại truyền thống chục tỷ USD của Việt Nam ở châu Á.
Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu với Hàn Quốc đạt hơn 66 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu hơn 19 tỷ USD và nhập khẩu gần 47 tỷ USD.
Các nhóm hàng xuất nhập khẩu lớn với Hàn Quốc tập trung vào máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị…
Nhật Bản là đối tác lớn thứ ba ở châu Á với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 19,3 tỷ USD và nhập khẩu đạt hơn 20,3 tỷ USD.
Như vậy, cả đối tác lớn ở châu Á, Việt Nam đều chịu thâm hụt thương mại.
Mỹ- thị trường xuất khẩu lớn nhất
Trong năm 2020, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 112,02 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019, tiếp tục là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Âu đạt 63,85 tỷ USD, giảm 3,1%; châu Đại Dương đạt 9,79 tỷ USD, tăng 2,4% và châu Phi đạt 6,72 tỷ USD, giảm 5,0% so với năm 2019.
Tại châu Mỹ, thị trường Mỹ là đối tác thương mại truyền thống hàng đầu của Việt Nam, từ nhiều năm qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt hơn 90 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 77,08 tỷ USD, tăng 25,7% so với năm 2019 và chiếm 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ khá đa dạng. Trong đó có nhiều mặt hàng có kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.
Đáng chú ý, Mỹ là thị trường truyền thống và lớn nhất đối với ngành hàng dệt may.
Năm ngoái, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kim ngạch sụt giảm nhưng lượng hàng xuất khẩu vào quốc gia này vẫn đạt gần 14 tỷ USD, giảm 5,6% so với 2019 nhưng vẫn chiếm đến 46,9% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước.
Các nhóm hàng chủ lực khác có thể kể đến như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 12,21 tỷ USD, tăng 141,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,39 tỷ USD, tăng 71,7%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,79 tỷ USD, giảm 1,2%...
Ở chiều nhập khẩu, năm ngoái cả nước chi 13,71 tỷ USD nhập hàng hóa từ Mỹ, giảm 5% so với năm 2019 và chiếm 5,2% tổng kim ngạch cả nước.
Có 3 nhóm hàng nhập khẩu từ Mỹ đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,72 tỷ USD; bông đạt 837.645 tấn, kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt hơn 1 tỷ USD…
Theo HQ Online.